Lòng nhân ái là phẩm chất đặc biệt trong mỗi con người, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác mà không cần sự đền đáp, đó là tình yêu giữa con người với con người trong xã hội, trong cuộc sống thường ngày.
Sau 6 tháng tỵ nạn tại Thái Lan, tôi được nước Mỹ chấp thuận cho định cư.
Lộ trình bay từ Bangkok đến San Francisco sẽ quá cảnh ở Tokyo, Nhật Bản.
Chuyện xảy ra khi đoàn chúng tôi già trẻ lớn bé gần 100 người áo quần xốc xếch, ngồi lây lất 3 tiếng ở phi trường Tokyo đợi chuyển chuyến bay đến miền đất hứa.
Thời gian chờ khá lâu nên chúng tôi bắt đầu cảm thấy đói.
Tôi và vài người nữa trong đoàn bèn tới một gian hàng nhỏ bán bánh mì ngay trong phi trường gần đó.

Lúc trả tiền, người bán hỏi có phải Vietnamese refugees (người Việt Nam tị nạn) không? Tôi trả lời phải.
Họ nói khỏi trả tiền, lại còn tặng thêm mỗi người một lon nước.
Tôi trở về chỗ ngồi, chưa kịp thưởng thức đã thấy hai vợ chồng chủ tiệm khiêng ra một khay đầy bánh mì kẹp thịt và một bình nước lọc với ly giấy tới chỗ chúng tôi đang ngồi tặng cho cả đoàn.
Thấy trong đoàn có một bé sơ sinh, họ còn cho người đi mua thêm bình sữa.
Nhưng hình ảnh làm tôi nhớ mãi, đó là có bà cụ trong đoàn vì cảm kích lòng tốt của họ, bèn theo lối Việt Nam cúi đầu, chắp tay xá xá cám ơn.
Hai vợ chồng họ bèn nghiêm trang đứng và cùng cúi đầu trước bà cụ xá lại để trả lễ.
Tôi khi đó vẫn còn nhỏ, nên chỉ hơi ngạc nhiên về thái độ rất lịch sự của họ.
Càng lớn lên, tôi mới hiểu không dễ gì có tấm lòng như vậy. Tuy là người cho, nhưng họ vẫn kính trọng người nhận.
Một cái cho nhân ái, vô vị lợi, không phải cái cho bố thí của một anh nhà giàu với người ăn xin trên hè phố.
Mấy chục ổ bánh mì chắc không phải món tiền lớn đối với họ, nhưng vẫn đáng kể khi họ phải bỏ công làm mới có.

Họ biết rằng những người Việt tỵ nạn này vài tiếng nữa thôi sẽ đi đến miền đất xa xôi, không có cơ hội gặp lại nhưng họ vẫn sẵn lòng giúp đỡ, không hề nghĩ đến sự báo đáρ.
Một lần nữa, dù rất muộn màng, xin nghiêng mình cảm tạ tấm lòng nhân ái của đôi vợ chồng người Nhật tại phi trường Tokyo năm nào.
Sưu tầm.