Trang chủSống ĐẹpBài Học Cuộc SốngNhững lời khen chứa một phần xấu xí - Câu chuyện ý...

Những lời khen chứa một phần xấu xí – Câu chuyện ý nghĩa sâu sắc

Chuyên mục

Ngày đăng

Những lời khen chứa một phần xấu xí là câu chuyện chân thực khiến nhiều người không khỏi băn khoăn suy ngẫm, cảnh giác với những lời khen có cánh…

Năm 1859, một phụ nữ bỗng ngã lăn ra chết hai ngày sau đêm khiêu vũ. Trong đêm này bà ta được ca tụng là người có tấm lưng ong đẹp nhất.

Thủ phạm là chiếc corset thắt quá chặt. Một tư liệu phương Tây đã dẫn nguồn tin đáng tin cậy.

Thì ai còn lạ gì chuyện ấy, khi cô nàng Scarlet trong Cuốn theo chiều gió phải nghiến răng kìm tiếng rên đau đớn để cho bà vú mạnh tay siết chặt eo chiếc váy khi nàng chuẩn bị đi dự dạ hội khiêu vũ ở trang trại Mười hai cây sồi. Khổ chưa, cái giá phải trả thật là khốn khổ để được cánh đàn ông khen đẹp!

Khi người Trung Quốc khen phụ nữ có gót sen nhỏ nhắn cũng là khi người phụ nữ xứ họ phải chịu cực hình trong tục bó chân táo bạo, mỗi đôi chân là một sự tàn phế man dại.

Những lời khen chứa một phần xấu xí - Câu chuyện ý nghĩa sâu sắc

Khi người Nhật khen người phụ nữ xinh đẹp trong chiếc áo Kimono cũng là khi người phụ nữ Nhật phải chịu làm hình nộm cứng đờ, đau nhức các khớp xương gần như là mãn tính.

Khi người đàn ông khen chiếc áo dài Việt cũng là khi họ có thể họ đang hả hê thưởng thức 2 miếng phó mát ở hai bên eo bạn, là khi họ đắc thắng ngâm thơ: “Áo em trắng quá nhìn thâu da”, hay “Trời Sài Gòn anh đi mà chợt thấy”…/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông. Thấy hết, và kệ cái nóng 35 độ C trong bó cứng của xứ Huế hay cái lạnh 10 độ C trong phong phanh của trời Hà Nội.

Khi giới chính trị đàn ông khen người phụ nữ “tòng phu” thì cũng là khi họ vì họ, vì muốn giữ giọt máu, nguồn gien của chính họ trong một XH cha truyền con nối.

Khi người đàn ông khen người phụ nữ “tiết hạnh”, chồng chết mà vẫn “tòng tử” theo con thì cũng là khi họ muốn giữ mảnh ruộng của dòng tộc họ không về tay kẻ khác, mặc cho thân phận người phụ nữ có thể úa tàn.

Khi họ muốn người phụ nữ phải hội đủ công dung ngôn hạnh, cũng rất có thể là khi họ bày tỏ lòng tham không đáy, muốn có cả bốn phương trong bàn tay mình, muốn có cả bốn mùa trong một ngày, muốn cả bốn cung bậc chỉ trong một nốt nhạc, mặc cho người phụ nữ phải loay hoay xoay sở hàng thiên niên kỷ trong một cổ bốn tròng.

Đời người: 20 tuổi chưa có tiền, quá đúng; 27 tuổi còn nghèo, thông cảm được; sau 30 tuổi vẫn rỗng túi, thực sự bất tài?

Thế đấy, bạn gái ạ, trong những lời khen đôi khi có chứa vài sự thật đắng cay.

Cũng như khi người đàn ông khen người phụ nữ thắt đáy lưng ong là khi họ mong muốn khéo chiều chồng và khéo nuôi con. Đúng thế, chắc chắn chỉ có những người làm nhiều và ăn ít, thức khuya dậy sớm thì mới thắt đáy lưng ong ở trong cái XH không có aerobic cũng như thể dục thẩm mỹ, chạy bộ, lắc vòng…

Nên chi, bạn ạ, bạn phải coi chừng những lời khen.

Đôi khi họ khen mình là nữ tính để họ dễ bề thôn tính cả không gian và âm thanh, khi bạn thu mình lại và ăn nói nhỏ nhẹ trước họ. Khen bạn dịu dàng là để bạn không bộc lộ trí thông minh hơn họ: Không cãi lại họ và họ dễ dàng áp đặt.

Họ khen bạn là phái đẹp để bạn đừng làm hơn những gì của một bông hoa.

Họ khen bạn là hoa để họ làm ong làm bướm, đậu rồi lại bay. Họ khen bạn là hoa để bạn làm vai trò trang trí, để bạn không ở địa vị cao, không nhận nhiều lương của họ. Và đôi khi, cao hứng lên, họ còn trịch thượng phán xét bạn là hữu sắc vô hương nếu bạn lỡ không hơn một vật trang trí.

Họ khen vợ họ là bà nội tướng giỏi để họ yên tâm một mình tung hoành nơi biên ngoại với tri thức, sự nghiệp, khoa bảng, quan trường, nhà trò con hát…

Những lời khen chứa một phần xấu xí - Câu chuyện ý nghĩa sâu sắc

Thế đấy! Đừng sung sướng với những lời khen để biến thành người khác. Mỗi bạn gái đã là một kho tàng của chính mình. Mỗi người chỉ cần là một nốt nhạc cũng đủ làm cho giai điệu cuộc sống rực rỡ âm thanh. Có những lời khen chứa đựng một phần xấu xí. Hỡi một nửa nhân loại, hãy cảnh giác với lời khen!

Lần đầu tiên mình đọc bài viết của chú Đoàn Công Lê Huy là trong mục “Trò chuyện đầu tuần” của báo Hoa học trò những năm trước 2005.

Hồi đó báo Hoa với mình là một thế giới mới rực rỡ đầy màu sắc của các anh chị. Một thế giới lắm buồn lắm vui lắm lẫn lộn mà mình vẫn mơ mộng đến một ngày mình sẽ bước chân vào đấy.

Một trong những chuyên mục mà mình yêu thích nhất hồi đó là ‘Trò chuyện đầu tuần’ với những bài viết nhẹ nhàng, sâu lắng của chú Đoàn Công Lê Huy. Lần đầu tiên đọc “Những lời khen chứa một phần xấu xí”, mình thấy hay một cách kỳ lạ.

Càng về sau, có thời gian và điều kiện đọc những bài viết của chú, mình vô cùng cảm phục trước một bút lực dồi dào và nội lực trong từng con chữ. Mình vẫn luôn tự hỏi tại sao người ta lại tinh tế như thế, lãng mạn như thế, đẹp đẽ như thế. Tại sao mình không nhìn ra những thứ nhỏ bé  ý nghĩa như vậy?

Gần chục năm sau, NXB Kim Đồng xuất bản bộ sách “Viết cho những điều bé nhỏ” – Tuyển tập những bài viết của chú Đoàn Công Lê Huy và nhà báo Ngô Thị Phú Bình. Mình không ngần ngại mua ngay cho mình một bộ, vì mình đã tha thiết mong mỏi chờ ngày bài viết của chú in thành sách cho bõ những tháng ngày tiếc nuối những cuốn báo Hoa cũ nát những năm xa lắc xa lơ.

Trong buổi ra mắt sách tranh có sự tham gia của chú và cô Trang Hạ, mình đã quyết tâm đi đến Hội sách để được gặp mặt 2 con người mà mình vẫn ngưỡng mộ bấy lâu nay. Cả hai ngoài đời đều dễ thương, đáng yêu và sâu sắc như họ trong những trang sách.

Những lời khen chứa một phần xấu xí - Câu chuyện ý nghĩa sâu sắc

Và mình vẫn không thể tin được ngày hôm ấy, không những xin chữ ký của chú, mình còn nói chuyện với chú, và chú đã chủ động cho mình số điện thoại và bảo rằng mình có thể liên lạc với chú sau. Cảm giác lúc ấy có lẽ còn hạnh phúc hơn khi mình chỉ tha thiết mong được nói chuyện với người mình thầm thương lâu nay thì họ không những nói chuyện mà còn chủ động cho số điện thoại để liên lạc.

Những tưởng mình của những năm trước và mình sau này, khi đọc những trang viết của chú sẽ không thể có những cảm giác như ngày xưa, thì giờ đây, cầm trên tay những trang viết mình đã ngấu nghiến lúc còn bé, mình lại da diết nhớ về một thời vụng dại, một thời đọc báo Hoa của anh chị, một báo Hoa từng ‘có hồn’, từng mạnh mẽ, từng say sưa.

Đọc mà tiếc cho báo Hoa giờ đây, vĩnh viễn không đẹp, không tròn vẹn, không là một tờ báo cho tuổi học trò nữa, một phần vì báo giấy nói chung đều đã thất thế, một phần vì những trụ cột vững chắc như chú Đoàn Công Lê Huy đã không còn nữa.

Những lời khen chứa một phần xấu xí - Câu chuyện ý nghĩa sâu sắc

Nghĩ mà tiếc, những con người đã cống hiến trọn vẹn đến mức trở thành tượng đài trong lòng độc giả, trở  thành những cây đại thụ tỏa những cái bóng quá lớn mà không ai vượt qua nổi. Ta đọc những trang viết của những người kế nhiệm, phảng phất những nét gợn gợi đến cái bóng cây cổ thụ kia, nhưng chỉ cho người đọc một sự hụt hẫng vì làm không tới.

Ôi, ‘những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ”

Sưu tầm

? Bấm LIKE fanpage cập nhật thông tin
chuyên biệt, mới nhất để CUỘC SỐNG TỐT ĐẸP HƠN

 

Bài Liên Quan